Kinh doanh vận tải bằng ô tô là gì?

Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

Như vậy, kinh doanh vận tải bằng ô tô là việc thực hiện ít nhất 01 trong 2 hoạt động: trực tiếp điều khiển phương tiện; quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa nhằm mục đích sinh lợi. Trên thực tế; việc thực hiện kinh doanh vận tải bằng ô tô có thể được thực hiện dưới các hình thức: xe dù; xe chuyến; …

Hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô

Hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô được quy định tại Điều 18 Nghị định 10/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5, khoản 6 Điều 1 Nghị định 47/2022/NĐ-CP. Cụ thể:

Điều 18. Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bao gồm:
a) Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Nghị định này;
b) Bản sao văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải;
c) Bản sao hoặc bản chính Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông (áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử).
2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đối với hộ kinh doanh vận tải gồm:
a) Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Nghị định này;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
3. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh do thay đổi nội dung của Giấy phép kinh doanh bao gồm:
a) Giấy đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh trong đó nêu rõ lý do xin cấp lại theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Nghị định này;
b) Tài liệu chứng minh sự thay đổi của những nội dung ghi trong Giấy phép kinh doanh quy định tại khoản 2 Điều 17 của Nghị định này (việc thay đổi liên quan đến nội dung nào thì bổ sung tài liệu về nội dung đó).
4. Trường hợp cấp lại Giấy phép kinh doanh do bị mất hoặc bị hư hỏng, hồ sơ gồm: Giấy đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Nghị định này.
5. Trường hợp cấp lại Giấy phép kinh doanh do bị thu hồi, hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh:
a) Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này; đối với hộ kinh doanh vận tải thực hiện theo khoản 2 Điều này;
b) Tài liệu chứng minh việc khắc phục đối với vi phạm quy định tại điểm a, điểm d khoản 6 Điều 19 Nghị định này.

Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã

Hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ vận tải với doanh nghiệp, hợp tác xã bao gồm:
– Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
– Bản sao văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải.
– Bản sao hoặc bản chính Quyết định thành lập.
– Quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông. Đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ vận tải theo tuyến cố định.

Đối với hộ kinh doanh

Hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ vận tải đối với hộ kinh doanh bao gồm:
– Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Trình tự, thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô

Trình tự, thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô quy định tại Điều 19 Nghị định 10/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 47/2022/NĐ-CP như sau:

Điều 19. Thủ tục cấp, cấp lại và thu hồi Giấy phép kinh doanh
1. Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh:
a) Đơn vị kinh doanh vận tải nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đến cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh. Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi đến đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thẩm định hồ sơ, cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Nghị định này. Trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh thì cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh phải trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.
2. Thủ tục cấp lại Giấy phép kinh doanh khi có sự thay đổi liên quan đến nội dung của Giấy phép kinh doanh hoặc Giấy phép kinh doanh bị thu hồi, bị tước quyền sử dụng được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Thủ tục cấp lại Giấy phép kinh doanh đối với trường hợp Giấy phép kinh doanh bị mất, bị hỏng
a) Đơn vị kinh doanh vận tải nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh đến Sở Giao thông vận tải nơi đơn vị đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh. Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi đến đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ;
b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thực hiện cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Nghị định này. Trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh thì cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh phải trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.
4. Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh kiểm tra thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trên hệ thống Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia trước khi cấp Giấy phép kinh doanh.
5. Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện tại trụ sở cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh hoặc qua đường bưu điện hoặc các hình thức phù hợp khác theo quy định. Trường hợp tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh hoặc qua đường bưu điện, cán bộ tiếp nhận hồ sơ cập nhật thông tin của các hồ sơ đúng theo quy định vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải.
Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thực hiện xử lý hồ sơ và cấp Giấy phép kinh doanh trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải.
6. Đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi Giấy phép kinh doanh không thời hạn một trong các trường hợp sau đây:
a) Cung cấp bản sao không đúng với bản chính hoặc thông tin sai lệch trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;
b) Không kinh doanh vận tải trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh vận tải trong thời gian 06 tháng liên tục;
c) Chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải;
d) Sửa chữa hoặc làm sai lệch dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe trước, trong và sau khi truyền dữ liệu.
7. Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thu hồi Giấy phép kinh doanh do cơ quan mình cấp và thực hiện theo trình tự sau đây:
a) Ban hành quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh;
b) Gửi quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh cho đơn vị kinh doanh vận tải và phải đăng tải thông tin trên Trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải;
c) Báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thông báo quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh đến các cơ quan có liên quan để phối hợp thực hiện;
d) Khi cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh ban hành quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh thì đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 07 ngày kể từ khi quyết định có hiệu lực phải nộp lại Giấy phép kinh doanh và phù hiệu, biển hiệu cho cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh, phải dừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh vận tải theo quyết định thu hồi Giấy phép kinh doanh ngay sau khi quyết định có hiệu lực;
8. Đơn vị kinh doanh vận tải bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì phải dừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh vận tải theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Sau khi hết thời hạn tước quyền sử dụng, nếu đơn vị kinh doanh vận tải có nhu cầu tiếp tục tham gia kinh doanh vận tải thì phải làm thủ tục để được cấp lại Giấy phép kinh doanh theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 18 của Nghị định này và phải có thêm tài liệu chứng minh việc khắc phục vi phạm là nguyên nhân bị tước quyền sử dụng.
9. Trong thời gian đơn vị kinh doanh vận tải bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì Sở Giao thông vận tải không thực hiện cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải và các loại phù hiệu, biển hiệu đối với loại hình kinh doanh đã bị tước quyền sử dụng.

Trình tự xin cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô bao gồm các bước sau:
– Bước 1: Đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô gửi 01 bộ hồ sơ đến Sở Giao thông vận tải.
– Bước 2: Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ; Sở Giao thông vận tải xem xét; đề nghị đơn vị kinh doanh vận tải bổ sung hồ sơ.
– Bước 3: Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; Sở Giao thông vận tải xem xét; cấp Giấy phép kinh doanh vận tải cho đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trường hợp không được cấp sẽ có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Phí cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô

Phí cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô được quy định tại Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tại Hà Nội, mức phí cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô được quy định tại Quyết định 62/2014/QĐ-UBND là 200.000 đồng/lần cấp.

Thủ tục cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô như thế nào?

Thủ tục cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô sẽ được chia làm 02 thủ tục riêng biệt:
– Thủ tục cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải khi có sự thay đổi liên quan đến nội dung của Giấy phép kinh doanh hoặc Giấy phép kinh doanh bị thu hồi, bị tước quyền sử dụng: đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải nộp 01 bộ hồ sơ cấp mới Giấy phép kinh doanh dịch vụ vận tải.
– Thủ tục cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải khi giấy phép kinh doanh bị mất, hỏng: đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải nộp 01 bộ hồ sơ cấp lại Giấy phép kinh doanh dịch vụ vận tải.

Đơn vị kinh doanh bị thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô khi nào?

Đơn vị kinh doanh bị thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô khi:
– Cung cấp bản sao không đúng với bản chính hoặc thông tin sai lệch trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh.
– Không kinh doanh vận tải trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh vận tải trong thời gian 06 tháng liên tục.
– Chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải.
– Sửa chữa hoặc làm sai lệch dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe trước, trong và sau khi truyền dữ liệu.

Was this helpful?

0 / 0