Theo đúng quy định của pháp luật, sau khi kết thúc thời gian thử việc; hai bên có thể xem xét tiếp tục quan hệ lao động hay chấm dứt quan hệ lao động. Việc chấm dứt quan hệ lao động sau khi kết thúc hợp đồng thử việc không cần báo trước và không cần bồi thường.
Tuy nhiên, theo quy trình đánh giá nhân sự của nhiều công ty; sau khi kết thúc hợp đồng thử việc; nhân sự phải tự làm bản đánh giá hợp đồng thử việc; nhân sự sẽ trình cho những lãnh đạo có liên quan để đề xuất ký tiếp hợp đồng lao động hay chấm dứt quan hệ lao động. Việc trình ký lãnh đạo sẽ tốn thời gian; chính vì vậy, hợp đồng lao động thường sẽ không được giao kết ngay sau khi kết thúc hợp đồng thử việc. Nhưng thời gian của hợp đồng thử việc và hợp đồng lao động sẽ nối tiếp nhau; không tạo ra khoảng trống.
Mặc dù vậy, việc không được ký tiếp hợp đồng lao động sẽ tạo cảm giác lo lắng cho người lao động do người lao động không có dự báo trước về việc được nhận chính thức hay không. Nếu được nhận chính thức thì mọi chuyện sẽ về lại quỹ đạo. Nhưng nếu không được nhận chính thức; do việc chấm dứt hợp đồng thử việc không kéo theo bồi thường hay báo trước, họ sẽ phải đi tìm công việc mới khi chưa có kế hoạch từ trước. Chính vì vậy, nhiều người lao động băn khoăn liệu sau khi kết thúc thử việc; bản thân vẫn tiếp tục làm việc tại công ty trong một khoảng thời gian có được coi là làm việc theo hợp đồng lao động hay không? Và nếu không thì thời gian làm việc đó của họ sẽ giải quyết như thế nào? Chúng tôi xin phép được giải thích như sau:
Giao kết hợp đồng lao động sau khi kết thúc thử việc theo quy định của pháp luật
Điều 27 Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định như sau:
Điều 27. Kết thúc thời gian thử việc
1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.
Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.
Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
Như vậy, sau khi kết thúc thời gian sử việc; sẽ có các hướng sau cho doanh nghiệp và người lao động:
– Trường hợp người lao động không đủ điều kiện của công ty: chấm dứt quan hệ lao động.
– Trường hợp người lao động đủ điều kiện; lao động ký hợp đồng thử việc với công ty: giao kết hợp đồng mới.
– Trường hợp người lao động đủ điều kiện; lao động ký hợp đồng lao động có quy định thời gian thử việc: thực hiện hợp đồng lao động theo hợp đồng đã giao kết.
Nhưng pháp luật lại chỉ quy định khi kết thúc thời gian thử việc; người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc. Trường hợp người sử dụng lao động không thông báo; không tiếp tục ký hợp đồng nhưng cũng không có động thái chấm dứt quan hệ lao động thì pháp luật chưa quy định.
Giao kết hợp đồng lao động sau khi kết thúc thử việc theo án lệ
Mặc dù pháp luật chưa quy định về vấn đề này nhưng trên thực tế; các án liên quan đến đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đều công nhận việc sau khi kết thúc thời gian thử việc; nếu người sử dụng lao động không chấm dứt quan hệ lao động với người lao động; người lao động vẫn tiếp tục làm việc tại công ty khi chưa có hợp đồng lao động sẽ được coi như đã giao kết hợp đồng lao động với công ty và làm việc dựa trên căn cứ hợp đồng lao động.
Căn cứ theo án lệ số 01/2017/AL-GDT như sau:
– Các bên tham gia:
+ Nguyên đơn: Ông Trần Công T.
+ Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn L – Siêu thị L – Chi nhánh B.
– Tóm tắt nội dung bản án:
Ông Trần Công T làm việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn L – Siêu thị L – Chi nhánh B từ ngày 9/9/2013; thời gian thử việc 02 tháng (9/9/2013 – 9/11/2013). Sau khi ông T kết thúc thời gian thử việc; ông T tiếp tục làm việc tại công ty đến ngày 19/12/2013 thì nghỉ việc. Ngày 28/12/2013, phòng nhân sự mời ông lên họp về việc “Kết thúc hợp đồng lao động trước thời hạn”; ông T ghi vào biên bản không đồng ý với việc giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động. Ngày 29/12/2013, công ty trách nhiệm hữu hạn L ra quyết định 15/QĐKL- 2013 với nội dung đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông T do: “Thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng”.; thời hạn chấm dứt hợp đồng từ 28/12/2013. Ngày 06/01/2014, ông T nhận được quyết định này. Ngày 24/02/2014, ông T khởi kiện Công ty trách nhiệm hữu hạn L với các yêu cầu:
+ Hủy quyết định 15/QĐKL-2013.
+ Yêu cầu công ty thanh toán các khoản tiền sau: tiền vi phạm thời hạn báo trước 45 ngày; bồi thường 02 tháng lương do chấm dứt hợp đồng lao động trái luật; trả công làm thêm giờ; trả công những ngày làm việc chưa được nghỉ phép; trả công những ngày làm việc chưa được nghỉ bù; thanh toán tiền lương còn thiếu; trả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tiền bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng; bồi thường tổn thất về tinh thần.
Người đại diện theo pháp luật của Công ty trách nhiệm hữu hạn L cho biết sau thời gian thử việc 02 tháng, công ty đã quyết định cho ông T thử việc thêm 01 tháng nữa. Công ty hoàn toàn hiểu rõ sau khi kết thúc thời hạn thử việc hai bên sẽ ký hợp đồng lao động.
– Nội dung án lệ: Ông Trần Công T làm việc tại công ty với thư mời nhận việc nội dung loại hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 09/9/2013 đến 9/11/2013. Sau khi hết thời gian thử việc, ông T không nhận được thông báo gì mà vẫn tiếp tục làm việc, thời gian làm việc sau khi kết thúc thử việc được coi là thời gian làm việc theo hợp đồng lao động. Giữa ông T và Công ty trách nhiệm hữu hạn L không có thêm thỏa thuận nào về việc thử việc thêm 01 tháng nữa. Như vậy, trường hợp không có thỏa thuận tiếp tục thử việc, sau khi kết thúc thời gian thử việc; nếu hai bên vẫn tiếp tục quan hệ lao động sẽ được coi là làm việc theo hợp đồng lao động.
Như vậy, có thể khẳng định, tiếp tục làm việc sau khi kết thúc thử việc sẽ được coi là làm việc theo hợp đồng lao động nếu hai bên không có thông báo hay thỏa thuận gì thêm.
Đây là vấn đề nằm ở phía nội bộ công ty. Nếu việc trình ký lãnh đạo mất thời gian và có thể làm lỡ thời gian giao kết hợp đồng tiếp theo với người lao động; công ty phải có một quy trình rõ ràng về việc thời gian làm đánh giá hợp đồng thử việc, cũng như thời gian trình ký và phải báo cho người lao động biết rõ về thời gian đó.
Was this helpful?
0 / 0