Chế độ tử tuất là gì?
Chế độ tử tuất là một trong các chế độ người lao động được hưởng khi tham gia bảo hiểm xã hội kể cả bảo hiểm xã hội bắt buộc hay tự nguyện. Chế độ tử tuất là chế độ hướng tới thân nhân của người tham gia bảo hiểm xã hội nhằm bù đắp một phần thu nhập của thân nhân người lao động tham gia bảo hiểm xã hội khi người tham gia bảo hiểm xã hội qua đời.
Chế độ tử tuất trong bảo hiểm xã hội bắt buộc
Trong chế độ tử tuất thuộc bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hàng tháng và trợ cấp tuất một lần. Cụ thể:
Trợ cấp mai táng
Đối tượng hưởng
Đối tượng hưởng trợ cấp mai táng được quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Bao gồm:
– Người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội.
– Người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên.
– Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
– Người đang hưởng lương hưu.
– Người đã nghỉ việc và đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.
Mức hưởng
Mức hưởng = 10 x MLCS. Trong đó, MLCS là mức lương cơ sở tại tháng người lao động chết.
Trợ cấp tuất hàng tháng
Đối tượng hưởng
Đối tượng hưởng trợ cấp tuất hàng tháng theo quy định tại khoản 2, 2 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:
– Con chưa đủ 18 tuổi (tính cả con mà người mẹ đang mang thai tại thời điểm người bố chết); con đã đủ 18 tuổi nhưng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
– Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên, chồng từ đủ 60 tuổi trở lên hoặc vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nhưng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; không có thu nhập hoặc thu nhập hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở.
– Cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ vợ, chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội có nghĩa vụ phải nuôi dưỡng; từ đủ 60 tuổi trở lên với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên với nữ; không có thu nhập hoặc thu nhập hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở.
– Cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ vợ, chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội có nghĩa vụ phải nuôi dưỡng; dưới 60 tuổi với nam, dưới 55 tuổi với nữ; bị suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên; không có thu nhập hoặc thu nhập hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở.
Điều kiện hưởng
Để được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng, đối tượng hưởng trợ cấp tuất hàng tháng phải là thân nhân của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội thuộc một trong các trường hợp sau:
– Đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
– Đang hưởng lương hưu.
– Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
– Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61 % trở lên.
Lưu ý: Trường hợp thân nhân của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội chết, để được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng do suy giảm khả năng lao động, thân nhân của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội phải đề nghị khám giám định mức suy giảm khả năng lao động trong thời hạn 04 tháng kể từ người tham gia bảo hiểm xã hội chết. Trường hợp con dưới 18 tuổi, nếu bị suy giảm khả năng lao động dưới 81% thì khi đủ 18 tuổi phải đề nghị khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để tiếp tục hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.
Mức hưởng
Mức hưởng trợ cấp tuất hàng tháng được xác định như sau:
– Mỗi thân nhân được hưởng = 50% x MLCS.
– Mỗi thân nhân mà người lao động nuôi dưỡng trực tiếp: 70% x MLCS.
Lưu ý:
– Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng không quá 04 người.
– Trường hợp có từ 02 người lao động chết trở lên, thân nhân của người lao động đó được hưởng bằng 2 lần mức hưởng theo quy định.
Thời điểm hưởng
Thời điểm hưởng trợ cấp được xác định bắt đầu từ tháng liền kề tháng mà người lao động chết. Trong trường hợp người lao động chết có vợ đang mang thai, thời điểm trợ cấp được xác định từ tháng con được sinh ra.
Trợ cấp tuất một lần
Các trường hợp hưởng
– Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không thuộc các trường hợp:
+ Đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
+ Đang hưởng lương hưu.
+ Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
+ Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61 % trở lên.
– Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội thuộc một trong các trường hợp: đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần; đang hưởng lương hưu; chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61 % trở lên nhưng không có thân nhân nằm trong diện được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.
– Người lao động có thân nhân nằm trong diện được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng nhưng chọn hưởng một lần.
– Người lao động không có thân nhân.
Mức hưởng
– Đối với người chưa hưởng lương hưu: tổng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho các năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi.
– Đối với người đã hưởng lương hưu: (48 – (n – 3) x 0,5)) x Mức lương hưu đang hưởng. Trong đó, n là số tháng đã hưởng lương hưu.
Chế độ tử tuất trong bảo hiểm xã hội tự nguyện
Tương tự như bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng có chế độ tử tuất nhưng chỉ có trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất. Và trợ cấp tuất thuộc chế độ tử tuất trong bảo hiểm xã hội tự nguyện là trợ cấp tuất một lần.
Trợ cấp mai táng
Đối tượng hưởng
Khoản 1 Điều 80 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:
Điều 80. Trợ cấp mai táng
1. Những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng:
a) Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 60 tháng trở lên;
b) Người đang hưởng lương hưu.
Như vậy, đối tượng hưởng trợ cấp mai táng là người lo mai táng cho người lao động thuộc các trường hợp sau:
– Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 60 tháng trở lên.
– Người đang hưởng lương hưu.
Mức hưởng
Mức hưởng = 10 x MLCS. Trong đó, MLCS là mức lương cơ sở tháng người lao động chết.
Trợ cấp tuất
Đối tượng hưởng
Điều 81. Trợ cấp tuất
1. Người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội, người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người đang hưởng lương hưu khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần.
Đối tượng hưởng trợ cấp tuất là thân nhân người lao động đang đóng, đang bảo lưu hoặc đang hưởng lương hưu theo chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mất.
Mức hưởng
– Đối với người chưa hưởng lương hưu: tổng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho các năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi.
– Đối với người đã hưởng lương hưu: (48 – (n – 3) x 0,5)) x Mức lương hưu đang hưởng. Trong đó, n là số tháng đã hưởng lương hưu.
Trình tự, thủ tục hưởng chế độ tử tuất
Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất
Điều 111. Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất
1. Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất đối với người đang đóng bảo hiểm xã hội và người bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm:
a) Sổ bảo hiểm xã hội;
b) Bản sao giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc bản sao quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
c) Tờ khai của thân nhân và biên bản họp của các thân nhân đối với trường hợp đủ điều kiện hưởng hằng tháng nhưng chọn hưởng trợ cấp tuất một lần;
d) Biên bản điều tra tai nạn lao động, trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì phải có thêm biên bản tai nạn giao thông hoặc biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông quy định tại khoản 2 Điều 104 của Luật này; bản sao bệnh án điều trị bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp chết do bệnh nghề nghiệp;
đ) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với thân nhân bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
2. Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất của người đang hưởng hoặc người đang tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng bao gồm:
a) Bản sao giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
b) Tờ khai của thân nhân và biên bản họp của các thân nhân đối với trường hợp đủ điều kiện hưởng hằng tháng nhưng chọn hưởng trợ cấp tuất một lần;
c) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với thân nhân bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Như vậy, hồ sơ hưởng chế độ tử tuất bao gồm:
– Đối với trường hợp người đang đóng bảo hiểm xã hội, đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội:
+ Sổ bảo hiểm xã hội.
+ Bản sao giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc bản sao quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
+ Tờ khai của thân nhân và biên bản họp của các thân nhân đối với trường hợp đủ điều kiện hưởng hằng tháng nhưng chọn hưởng trợ cấp tuất một lần.
+ Biên bản điều tra tai nạn lao động, trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì phải có thêm biên bản tai nạn giao thông hoặc biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông quy định tại khoản 2 Điều 104 của Luật này; bản sao bệnh án điều trị bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp chết do bệnh nghề nghiệp.
+ Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với thân nhân bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
– Đối với người đang hưởng hoặc người đang tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng:
+ Bản sao giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
+ Tờ khai của thân nhân và biên bản họp của các thân nhân đối với trường hợp đủ điều kiện hưởng hằng tháng nhưng chọn hưởng trợ cấp tuất một lần.
+ Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với thân nhân bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Trình tự giải quyết hưởng chế độ tử tuất
Điều 112. Giải quyết hưởng chế độ tử tuất
1. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày người bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng chết thì thân nhân của họ nộp hồ sơ quy định tại Điều 111 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bị chết thì thân nhân nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 111 của Luật này cho người sử dụng lao động.
2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ thân nhân của người lao động, người sử dụng lao động nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 111 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho thân nhân của người lao động. Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trình tự giải quyết hưởng chế độ tử tuất như sau:
– Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày người lao động chết, thân nhân chuẩn bị hồ sơ như trên và nộp cho:
+ Cơ quan bảo hiểm xã hội: trường hợp người bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng chết.
+ Người sử dụng lao động: trường hợp người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội chết. Người sử dụng lao động có trách nhiệm nộp lại hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ thân nhân của người lao động.
– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết và chi trả cho thân nhân của người lao động. Trường hợp không giải quyết có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Theo đó, thân nhân là người có quyền yêu cầu hưởng chế độ tử tuất. Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thân nhân là con đẻ, con nuôi, vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng của người tham gia bảo hiểm xã hội hoặc thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Như vậy, những người có quyền yêu cầu hưởng chế độ tử tuất khi người lao động chết bao gồm: con đẻ, con nuôi, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, cha vợ, mẹ vợ, cha chồng, mẹ chồng hoặc thành viên khác mà người lao động đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Người bị tòa án tuyên bố chết trở về sau khi thân nhân đã hưởng chế độ tử tuất không được tiếp tục hưởng lương hưu nữa.
Was this helpful?
0 / 0