Pháp nhân là gì?
Pháp nhân trong tiếng anh là “Legal entity”. Theo đó, entity có thể được hiểu là một “thực thể”. Một thực thể được tạo thành từ 4 đặc điểm chính: độc lập, duy nhất, có thể xác định được và có thể phân biệt được với các thực thể khác. “Legal entity” được hiểu là thực thể trong pháp luật, là một chủ thể bên cạnh cá nhân và được gọi là pháp nhân. Nếu cá nhân là từ để chỉ một người thì pháp nhân sử dụng để chỉ những tổ chức đáp ứng được các đặc điểm độc lập, duy nhất, có thể xác định được và có thể phân biệt được. Vậy nên, trong quan hệ pháp luật dân sự sẽ tồn tại 03 loại chủ thể: cá nhân, pháp nhân và chủ thể không có tư cách pháp nhân.
Pháp nhân trong quy định của pháp luật
Pháp nhân được quy định tại Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể:
Điều 74. Pháp nhân
1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
2. Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Như vậy, một tổ chức được công nhân là pháp nhân khi:
– Tổ chức đó được thành lập theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức đó có cơ cấu tổ chức theo quy định của Bộ luật Dân sự.
– Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.
– Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Cụ thể:
Thứ nhất, tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật. Theo đó, một pháp nhân có thể được thành lập theo quy định của luật dân sự hoặc luật khác có liên quan. Ví dụ như doanh nghiệp được thành lập theo quy định của luật doanh nghiệp, nhà xuất bản được thành lập bằng quyết định của cơ quan chủ quản theo quy định của luật xuất bản. Việc pháp nhân được thành lập dựa trên quy định của pháp luật tương ứng với cá nhân bắt đầu có quyền và nghĩa vụ từ thời điểm được sinh ra. Tạo nên điểm chung giữa các chủ thể trong Bộ luật Dân sự.
Thứ hai, tổ chức đó phải có cơ cấu tổ chức theo quy định của Bộ luật Dân sự. Cụ thể là Điều 83 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Điều 83. Cơ cấu tổ chức của pháp nhân
1. Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.
2. Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.
Như vậy, tổ chức có tư cách pháp nhân phải có cơ quan điều hành, điều lệ.
Thứ ba, pháp nhân có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Như vậy pháp nhân phải có tài sản riêng và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản đó. Việc yêu cầu pháp nhân phải có tài sản riêng kéo theo các cá nhân thành lập phải góp vốn và chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn đó cho pháp nhân. Tương tự như cá nhân, pháp nhân chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Tuy nhiên, xét theo góc độ giữa các cá nhân thành lập nên pháp nhân thì các cá nhân này chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi phần vốn góp vào công ty.
Thứ tư, nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập. Hay nói cách khác, pháp nhân được coi là một chủ thể độc lập trong quan hệ dân sự và có thể nhân danh chính mình tham gia các quan hệ pháp luật.
Was this helpful?
0 / 0