Có được công khai danh tính của người mua dâm, bán dâm?

Không được công khai danh tính của người mua dâm, bán dâm do:

Thứ nhất, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Hiến pháp năm 2013:

Điều 21.
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

Theo đó, mọi người có quyền được bảo vệ danh dự, uy tín và quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư. Vậy nên, không được công khai danh tính của người mua dâm, bán dâm

Thứ hai, căn cứ theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015:

Điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín
1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.
5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Như vậy, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ và cá nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Vậy nên, không được công khai danh tính người mua dâm, bán dâm.

Thứ ba, hành vi mua dâm, bán dâm không phải chịu trách nhiệm hình sự. Vậy nên, không được công khai danh tính người mua dâm, bán dâm do người mua dâm, bán dâm không phải người phạm tội, thông tin của người mua dâm, bán dâm không thuộc thông tin vụ án và không được công khai. Bên cạnh đó, trong các hình phạt bổ sung của bộ luật hình sự chỉ quy định đến hình thức công khai xin lỗi, không có quy định về việc công khai danh tính. Chính vì vậy, danh tính người mua dâm, bán dâm không được công khai.

Thứ tư, Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về việc công khai danh tính người bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể:

Điều 72. Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính
1. Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.
2. Nội dung công bố công khai bao gồm cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.
3. Việc công bố công khai được thực hiện trên trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính.

Theo đó, việc công bố việc xử phạt với tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính chỉ phát sinh trong một số ngành như: an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất; buôn bán hàng giả gây hậu quả lớn, gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội. Như vậy, hành vi mua dâm, bán dâm không nằm trong những hành vi bị công khai việc xử phạt vi phạm hành chính. Vậy nên, không được công khai danh tính của người mua dâm, bán dâm.

hành vi mua dâm, bán dâm mặc dù không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng có thể bị xử phạt hành chính. Theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, việc xử phạt đối với hành vi mua dâm, bán dâm như sau:
– Đối với hành vi mua dâm:
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi mua dâm.
+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi mua dâm với 02 người trở lên cùng một lúc.
– Đối với hành vi bán dâm:
+ Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi bán dâm.
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi bán dâm cho 02 người trở lên cùng một lúc.
Bên cạnh các mức hình phạt trên, hành vi mua dâm, bán dâm chỉ có một số hình phạt bổ sung như:
– Tịch thu tang vật vi phạm hành chính.
– Trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi bán dâm.
Như vậy, không có hình phạt bổ sung công khai danh tính người thực hiện hành vi bán dâm, mua dâm. Vậy nên, không được công khai danh tính của người mua dâm, bán dâm.

Tóm lại, hành vi mua dâm, bán dâm mặc dù là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội nhưng người mua dâm, bán dâm vẫn có quyền được bảo vệ về hình ảnh cá nhân, về danh dự và nhân phẩm. Bên cạnh đó, việc công khai hình ảnh của người mua dâm, bán dâm có thể gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, gia đình, công việc, sự nghiệp của người mua dâm, bán dâm, chặn đứng mọi cơ hội làm lại từ đầu của những người này. Điều này đi ngược lại với phương hướng nhân đạo, cho người phạm lỗi cơ hội làm lại từ đầu của pháp luật thế giới nói chung và pháp luật Việt Nam nói riêng.

Was this helpful?

0 / 0