Vợ chồng chúng tôi mâu thuẫn trầm trọng, đang làm thủ tục ly hôn và tranh chấp quyền nuôi con. Nếu chồng tôi bế con đi trốn biệt tích, tôi không thể liên hệ được, liệu tôi có thể trình báo công an về hành vi bắt giữ người trái phép không?

Việc xác định chồng bạn có hành vi bắt giữ con trái phép hay không phụ thuộc vào việc hành vi bắt giữ con trái phép được thực hiện khi nào và được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn trước khi có bản án, quyết định về việc ly hôn, giai đoạn sau khi có bản án, quyết định về việc ly hôn. Ở đây, ta loại trừ trường hợp hai vợ chồng thỏa thuận về người nuôi con trước khi ra tòa do hiện hai bạn vẫn còn đang có sự tranh chấp về việc nuôi con. Bên cạnh đó, loại trừ trường hợp việc ly hôn không thành công do hai bạn quay về với nhau.

Giai đoạn trước khi có bản án, quyết định về việc ly hôn

Trước khi bản án, quyết định về việc ly hôn có hiệu lực, hai bạn vẫn là vợ chồng, việc ai là người có quyền nuôi con là chưa thể xác định. Vậy nên, trong trường hợp này, quyền và nghĩa vụ của hai vợ chồng đối với con là ngang nhau bao gồm cả quyền nuôi dưỡng, yêu thương, chăm sóc theo quy định tại Điều 69 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Cụ thể:

Điều 69. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ
1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Như vậy, trước khi có bản án, quyết định có hiệu lực về việc ly hôn, việc chồng bạn mang con đi giấu không cấu thành hành vi bắt giữ con trái phép.

Giai đoạn sau khi có bản án, quyết định về việc ly hôn

Trường hợp bạn là người được quyền nuôi con

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Như vậy, trường hợp bạn là người được quyền nuôi con, việc nuôi con của bạn sẽ được đảm bảo bởi bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án. Nếu chồng bạn đem con đi trốn, cơ quan thi hành án sẽ có trách nhiệm cưỡng chế chồng bạn thi hành bản án. Bên cạnh đó, chồng bạn sẽ bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với hành vi không thực hiện công việc phải làm theo bản án, quyết định quy định tại điểm a khoản 3 Điều 64 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.

Trường hợp chồng bạn là người được quyền nuôi con

Trường hợp chồng bạn được quyền nuôi con, chồng bạn vẫn phải tôn trọng quyền được thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của bạn theo quy định tại khoản 2 Điều 83 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Nếu chồng bạn hoặc người nhà của chồng bạn có hành vi cấm cản bạn thực hiện quyền này như đem con bỏ trốn, theo quy định tại Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, chồng bạn sẽ bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Was this helpful?

0 / 0