Điều 22. Quyền ưu tiên của một số loại xe
1. Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:
a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
đ) Đoàn xe tang.
2. Xe quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
Chính phủ quy định cụ thể tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.
3. Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

Xe cứu thương nằm trong những loại xe được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới. Tuy nhiên, không phải lúc nào xe cứu thương cũng được ưu tiên; chỉ khi xe cứu thương có tín hiệu còi theo quy định; những người tham gia giao thông mới cần phải nhường đường.

Tình huống thực tế

Hàng loạt phương tiện đang dừng xe chờ đèn đỏ thì xe cứu thương phía sau hú còi phát tín hiệu ầm ĩ.

Nếu nhường đường cho xe cứu thương chỉ còn cách duy nhất là vượt đèn đỏ. Vậy xin hỏi nếu tôi vượt đèn đỏ trong trường hợp này có bị xử phạt không.

Vượt đèn đỏ bị xử phạt như thế nào?

Theo đó, hành vi vượt đèn đỏ sẽ được xếp vào hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông với mức phạt như sau:
– Đối với xe ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô: phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
– Đối với xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy: phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
– Đối với xe máy kéo, xe máy chuyên dùng: phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
– Đối với xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ khác: phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Vượt đèn đỏ khi nhường đường cho xe cứu thương có bị phạt?

Theo quy định, khi gặp xe cứu thương, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Như vậy, việc vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương không nằm trong quy định về nhường đường cho xe cứu thương. Tuy nhiên, với tình trạng tắc đường, đông phương tiện tại Hà Nội và các thành phố lớn khác; việc nhường đường gần như không thể do không còn chỗ để tránh. Cách duy nhất là vượt vạch trắng ở khu vực dừng đèn đỏ hoặc vượt đèn đỏ để xe cứu thương có thể di chuyển. Vậy việc vượt đèn đỏ khi nhường đường cho xe cứu thương có bị phạt không?

Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định như sau:

Điều 11. Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính
Không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sau đây:
1. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;
2. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;
3. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;
4. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;
5. Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Luật này.

Như vậy, trường hợp vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương nếu thực hiện trong tình thế cấp thiết sẽ không bị xử phạt hành chính. Nhưng việc xác định tình thế cấp thiết như thế nào lại không được quy định cụ thể.

Tình thế cấp thiết được quy định tại khoản 1 Điều 23 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Như vậy, có thể hiểu việc vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương sẽ không bị phạt khi đó là tình thế cấp thiết. Và tình thế cấp thiết sẽ do tình huống cụ thể quyết định. Tuy nhiên, có thể dự kiến tình huống cụ thể để được xếp vào tình thế cấp thiết như sau:
– Xe cứu thương đang yêu cầu nhường đường bằng cách hú còi.
– Người đang tham gia giao thông không thể nhường đường và tấp vào lề đường bên phải.
– Việc vượt đèn đỏ chỉ vượt qua khỏi vạch kẻ đường tại nơi đặt đèn tín hiệu giao thông và chỉ vượt đủ chỗ cho xe cứu thương đi qua; không vượt luôn đèn đỏ và tiếp tục sang đường.

Was this helpful?

0 / 0